Cách làm dầu gấc nguyên chất tại nhà vô cùng đơn giản, chỉ với những nguyên liệu dễ kiếm và các bước làm đơn giản là bạn đã có thể làm ra được những mẻ dầu gấc chất lượng. Trong chuyên mục vào bếp hôm nay bạn hãy cùng với Nấu Ăn Mỗi Ngày làm dầu gấc nhé.
I. Dầu gấc là gì?
Dầu gấc là một loại thực phẩm được chế biến từ trái gấc tươi hoặc khô ở dạng dung dịch. Dầu gấc có công dụng rất tốt đối với sức khỏe, phù hợp với cả trẻ nhỏ. Ngoài ra dầu gấc cũng là một thần dược làm đẹp bởi hàm lượng vitamin E dồi dào giúp da căng bóng, tươi sáng, trị nám da hiệu quả.
II. Cách làm dầu gấc nguyên chất
Khi đã biết được công dụng tuyệt vời của dầu gấc các bạn còn chần chừ gì mà không bắt tay ngay vào làm những mẻ dầu gấc dinh dưỡng cho gia đình mình. Hãy theo dõi ngay cách làm dầu gấc sau đây.
1. Nguyên liệu làm dầu gấc
- Gấc chín: 1 quả khoảng 1kg
- Dầu dừa hoặc dầu đậu nành: 300ml
- Nồi có đáy dày
- Rây lọc hoặc khăn xô dùng để lọc
2. Các bước làm dầu gấc
2.1. Sơ chế gấc
Bạn bổ đôi quả gấc lấy hết toàn bộ phần hạt gấc bên trong rồi cho vào bát.
Tiếp đến là nạo phần mỡ vàng của gấc để tận dụng vào làm việc khác, bởi mỡ vàng của gấc có chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng như DHA rất tốt cho sức khỏe.
2.2. Làm khô hạt gấc
Để làm khô hạt gấc bạn có thể áp dụng 1 trong 3 cách sau đây
Cách 1: Dùng máy sấy, điều chỉnh sấy 70 độ, quan sát thấy hạt gấc se lại là được
Cách 2: Nếu làm vào mùa hè trời nắng bạn có thể đổ gấc lên một mâm lớn và phơi ra trời nắng. Phơi khoảng 3-4 tiếng, khi thấy gấc sờ vào không bị dính tay nữa là được.
Cách 3: Nếu không có máy sấy hoặc trời không nắng bạn có thể đổ hạt gấc vào khay nhựa và cho vào tủ lạnh. Khoảng 4 tiếng hạt gấc sẽ se cứng lại. Bạn kiểm tra khi thấy lớp thịt gấc hay còn gọi là màng đỏ, dễ bóc ra khỏi hột bên trong là được.
2.3. Tách các màng đỏ ra khỏi hạt gấc
Sau khi sơ chế hạt gấc se lại, bạn có thể dùng tay hoặc dao nhỏ bóc lớp màng xung quanh của hạt gấc ra. Nếu như hạt gấc khô thì việc tách này khá dễ và nhanh.
Sau khi bóc xong hạt gấc bỏ đi, màng gấc mang đi xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ để bắt đầu nấu lấy tinh dầu.
2.4. Nấu dầu gấc
Bạn lấy phần màng gấc sau khi xay nhuyễn cho vào nồi dày, sau đó đổ dầu dừa hoặc dầu đậu nành vào. Đặt lên bếp đun nóng với nhiệt độ 70 độ C. Vừa đun vừa dùng đũa để đảo đều.
Lưu ý: Bạn không nên đun sôi dầu gấc, chỉ đun ở nhiệt độ 70 thôi. Nếu như để nhiệt độ quá to sẽ làm cho các thành phần của dầu gấc bị biến đổi và mất giá trị dinh dưỡng.
Bạn sẽ nấu như vậy cho đến khi quan sát thấy lớp màng teo lại và bắt đầu khô cứng, dầu gấc sẽ tiết ra và đến khi có màu đỏ thì tắt bếp.
2.5. Lọc dầu gấc
Sau khi tắt bếp, bạn đợi khoảng 10 tới 15 phút dầu gấc nguội sau đó sẽ dùng rây lọc hoặc khăn xô để lọc dầu gấc.
3. Yêu cầu thành phẩm
Dầu gấc sau khi được lọc sạch sẽ có màu đỏ tươi hoặc đỏ sậm điều này phụ thuộc vào độ chín của gấc. Dầu có độ trong nhẹ và có mùi hương thoang thoảng của gấc.
III. Một số mẹo và lưu ý khi làm dầu gấc
1. Chọn gấc
Để có những mẻ dầu gấc thơm ngon bạn phải chọn gấc khá kỹ. Nên chọn những quả gấc có màu đỏ cam tươi, cuống xanh, ruột chín đỏ, cầm chắc tay, không bị dập nát.
2. Chọn dầu
Để làm dầu gấc bạn có thể linh hoạt sử dụng nhiều loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu dừa. Tuy nhiên tốt nhất sẽ là dầu dừa, vì dầu dừa bốc hơi chậm, dễ ngấm vào gấc do đó sẽ tạo nên tinh dầu gấc nguyên chất hơn.
3. Cách bảo quản
Dầu dừa tự làm nguyên chất tại nhà không có chất bảo quản thì sẽ dùng được trong khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, để dầu gấc có tác dụng tốt nhất chúng ta chỉ nên dùng trong vòng 3 tháng.
Dầu gấc sau khi nấu xong, để nguội bạn sẽ bảo quản vào trong hũ thủy tinh có nắp đậy, để ở những nơi khô ráo.
Cách làm dầu gấc khá đơn giản và dễ làm phải không. Hy vọng với công thức mà Nấu Ăn Mỗi Ngày chia sẻ ở trên các bạn sẽ áp dụng thành công và có những mẻ dầu gấc chất lượng nhất. Đừng quên chia sẻ công thức hay này với mọi người nhé. Chúc bạn thành công.
Tâm An – Ban Biên Tập Nấu Ăn Mỗi Ngày
Để lại một bình luận