Rượu nếp Tết Đoan Ngọ là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ hay ở còn gọi là “Ngày tết giết sâu bọ” tại Việt Nam. Do năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp khiến chúng ta khó có thể đi mua được, nên hãy học cách tự làm món ăn này tại nhà nhé.
1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 kg Gạo nếp (có thể chọn gạo nếp cẩm hoặc gạo lứt nếp)
- 20g men rượu (hoặc 2 viên men ngọt)
- 350g đường
- Lá chuối xanh hoặc lá sen
2. Cách làm rượu nếp Tết Đoan Ngọ
2.1. Các bước làm rượu nếp
Bước 1: Đem gạo nếp đi rửa sạch, vo kỹ trong nước lạnh và ngâm trong chậu nước khoảng 1 tiếng. Sau đó, các bạn cần đổ gạo vào một chiếc rá, đợi đến khi gạo ráo nước rồi đem đi nấu.
Bước 2: Cho vào rá đựng gạo một thìa con muối, trộn đều
Bước 3: Thực hiện nấu cơm nếp
Có hai cách để bạn nấu cơm nếp như sau:
- Cách 1: Cho gạo nếp vào nồi cơm điện, đổ nước ngập mặt gạo khoảng 1,5cm và bật nút nấu như bình thường. Chú ý cần đảo đều cơm khi sôi để cơm được chín đều, không bị cháy bén nồi.
- Cách 2: Cho gạo nếp vào ngăn trên của nồi hấp 2 tầng, thực hiện như khi bạn đồ xôi. Bạn chỉ cần cho nước lạnh vào ngăn dưới của nồi và đun sôi nước. Cách này sẽ khiến cho gạo được chín đều, tơi ngon mà không lo bị cháy hay nhão. Đến khi cơm nếp chín là bạn có thể bỏ ra được rồi.
Bước 4: Cho cơm nếp đã chín vào đĩa hoặc mâm cho nguội, dàn mỏng cơm sẽ giúp nhanh nguội hơn.
Bước 5: Chỗ men rượu đã chuẩn bị từ trước bạn hãy đem giã nhuyễn, lọc sạch mọi cặn bẩn. Tiếp đến, cho 1 muỗng cafe đường vào và trộn đều.
Bước 6: Bạn đem lá chuối xanh hoặc lá sen đi rửa sạch, để cho ráo nước, lót vào rổ sạch để thực hiện ủ rượu nếp. Chú ý nên chừa lại một ít lá để phủ lên bề mặt khi ủ.
Bước 7: Khi xôi nguội, chỉ còn hơi ấm bạn đem mem rượu đã giã nhuyễn trộn đều từng chút một vào cơm nếp. Sau đó cho vào rổ đã được lót lá.
Đây là bước cần làm rất cẩn thận, quyết định cơm nếp có lên men được hay không. Những lưu ý giúp bạn làm món này thành công:
- Không trộn men khi cơm nếp còn đang nóng hổi, sẽ làm chết men, không lên men được
- Làm từng lớp cơm nếp, không trộn cùng 1 lúc. Mỗi một lớp cơm nếp dày chừng 5cm thì lại rắc một lớp bột men lên trên. Phần cơm dưới đáy rổ chỉ cần rắc ít men hơn so với trên cùng vì khi ủ, men sẽ tan dần và ngấm xuống cả bên dưới.
- Trên cùng lên rải đều một lớp men mỏng và đậy kín lại bằng lá chuối
Bước 8: Thực hiện ủ cơm nếp
Trải chăn vải dày ra mặt sàn, đặt rổ cơm nếp đã trộn men lên và đóng kín chăn. Tùy vào thời tiết mà thời gian lên men rượu sẽ nhanh hay chậm, nếu trời nóng thì chỉ cần sau 1 ngày là món rượu nếp tết Đoan Ngọ có hương thơm ngào ngạt rồi.
2.2. Lưu ý khi ủ cơm men rượu
Để món rượu nếp tết Đoan Ngọ thành công, bạn nên canh chừng đúng thời gian để mở chăn ủ ra. Cách nhận biết là khi lá có mùi thơm, mở ra hạt cơm rượu căng mọng và có vị ngọt đậm.
Nếu bạn mở chăn quá sớm, cơm chưa lên men thì khi ăn sẽ chỉ có vị đắng của men. Hoặc nếu ủ quá lâu, cơm sẽ bị cay mùi rượu và rất bã do tinh bột trong hạt nếp tan thành nước, ăn chỉ còn lớp vỏ ngoài.
Sau khi ủ cơm nếp được 24h và nên men đều, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để cơm không bị chua và dùng được lâu hơn.
3. Thành phẩm rượu nếp
Rượu nếp có màu vàng bóng, hạt nếp căng mọng, có vị ngọt thanh và dẻo dai của nếp. Khi ăn sẽ không nồng mùi rượu và không bị say.
Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc ăn cùng sữa chua, đây là món ăn rất tốt cho hệ tiêu hóa, làm đẹp da.
Món rượu nếp tết Đoan Ngọ từ lâu đã trở thành một món ăn đặc trưng trong ngày 5/5 hằng năm. Ngoài những trái cây như mận, vải, ổi… thì món ăn này cũng không thể nào thiếu trên mâm cúng gia tiên. Ngày 5/5 đã đến rất gần rồi, bạn hãy bỏ túi bí kíp nấu món rượu nếp tết Đoan Ngọ cho dịp lễ này nhé.
Trả lời